Chuyển đổi số quốc gia
PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA ĐOÀN VIÊN, THANH NIÊN TRONG TỔ CÔNG NGHỆ SỐ CỘNG ĐỒNG
Triển khai Thí điểm thành lập Tổ Công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) xác định đoàn viên, thanh niên giữ vai trò nòng cốt trong hoạt động hướng dẫn người dân sử dụng công nghệ số, bước đầu đã mang lại hiệu quả, nổi bật tại tỉnh Đồng Tháp.
Mục đích của việc thành lập Tổ CNSCĐ là tạo ra lực lượng mang tính huy động sức mạnh toàn dân, ở gần dân, sát dân và là cánh tay nối dài của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số từ tỉnh, huyện đến xã, phường, thị trấn, khóm, ấp. Mỗi địa phương sẽ lựa chọn 01 khóm, ấp để Thí điểm thành lập Tổ CNSCĐ theo sự hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông và đặc điểm riêng của địa phương. Việc triển khai thông qua nhiều cách tiếp cận khác nhau nhưng tựu chung lại là mong muốn đưa công nghệ số đến mọi ngõ ngách của cuộc sống. Trong đó, tập trung trước mắt vào đoàn viên, thanh niên để từ đó triển khai đến từng hộ gia đình; đến từng nhà, đặt các tổ hỗ trợ chuyển đổi số tại Bộ phận Một cửa; triển khai tập trung tại các buổi họp chi bộ, hội quán, hợp tác xã, các buổi tập trung đông người nhằm tăng hiệu quả số lượng cài đặt các nền tảng số.
(Thành viên Tổ CNSCĐ tỉnh Đồng Tháp hướng dẫn người dân sử dụng ứng dụng e-Đồng Tháp).
Mô hình Tổ CNSCĐ thành công hay không, đạt hiệu quả như thế nào phụ thuộc rất nhiều vào nhân tố đứng đầu, mang lại hiệu quả tích cực trong triển khai hoạt động Tổ. Các Tổ CNSCĐ có thành tích tốt ban đầu là có các Tổ trưởng năng động và chiếm phần lớn là các bạn đoàn viên, thanh niên; Tổ trưởng xây dựng kế hoạch triển khai, chủ động phối hợp với các doanh nghiệp số trên địa bàn và các đơn vị liên quan khác để tổ chức hoạt động cho Tổ mang lại thành tích tốt.
Tại tỉnh Đồng Tháp, lực lượng nòng cốt của Tổ CNSCĐ được xác định là đoàn viên, thanh niên cùng với ban nhân dân khóm ấp và các đoàn thể trên địa bàn. Các Tổ CNSCĐ triển khai thực hiện các nhiệm vụ tuyên truyền, hướng dẫn người dân các kỹ năng số và sử dụng các dịch vụ số do tỉnh cung cấp như dịch vụ công trực tuyến, phản ánh kiến nghị qua ứng dụng e-Đồng Tháp và một số dịch vụ liên quan đến y tế, giáo dục
Hỗ trợ người dân, hộ sản xuất trên địa bàn đăng ký tham gia các sàn thương mại điện tử như: Postmart.vn, Voso.vn.. Hướng dẫn mở cửa hàng số, mở tài khoản thanh toán trực tuyến,
sử dụng các nền tảng số để quảng bá sản phẩm, tạo thương hiệu cho các sản phẩm OCOP của tỉnh
.
Đoàn viên, thanh niên tỉnh Đồng Tháp sôi nổi tham gia Lớp tập huấn Chuyển đổi số trong nông nghiệp.
Mang theo sự trẻ trung và nhiệt huyết của mình, thanh niên đã dần trở thành những người dẫn đầu trong việc sử dụng công nghệ số để tạo ra giá trị và nâng cao chất lượng cuộc sống. Ngoài ra, thanh niên cũng được coi là lực lượng tài năng và sáng tạo, với khả năng tìm tòi, nghiên cứu và bắt kịp các công nghệ mới. Điều này giúp họ đóng vai trò chủ chốt trong việc cải thiện và đưa ra các giải pháp sáng tạo cho các vấn đề khó khăn trong thời đại chuyển đổi số.
Kết quả ban đầu đạt được theo các chỉ tiêu giao các Tổ CNSCĐ gồm: 1.333 lượt người dân cài đặt ứng dụng e-Đồng Tháp; 986 lượt người dân cài đặt ví điện tử; 210 cửa hàng, dịch vụ sử dụng thanh toán điện tử; 189 sản phẩm đưa lên sàn thương mại điện tử; 9.038 lượt hướng dẫn và nộp hồ sơ được hướng dẫn tạo tài khoản và hướng dẫn thực hiện dịch vụ công trực tuyến,...
Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức Hội nghị sơ kết và khen thưởng cho 03 tập thể và 06 cá nhân có thành tích tiêu biểu trong hoạt động của Tổ. Đến thời điểm hiện tại đã có 9/12 huyện thành lập Tổ CNSCĐ với hơn 60 thành viên. Trong năm 2023, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh khuyến khích nhân rộng mỗi xã thành lập 01 Tổ CNSCĐ khóm, ấp. Tương đương, toàn tỉnh sẽ có ít nhất 143 Tổ được thành lập mới trên địa bàn toàn tỉnh.
Hội nghị triển khai kế hoạch chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp năm 2023 (Nguồn: Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp)
Từ thực tiễn triển khai mô hình Tổ CNSCĐ của tỉnh Đồng Tháp đạt được nhiều hiệu quả và kết quả bước đầu, ta thấy tầm quan trọng của việc xác định, đánh giá đúng vai trò, nhiệm vụ của nhân tố đi đầu, giữ vai trò nòng cốt. Nhấn mạnh hướng tới các đoàn viên, thanh niên vì đây là lực lượng trẻ, tiên phong, nắm bắt xu thế công nghệ nhanh chóng và có những phương pháp lan tỏa sáng tạo. Chính vì vậy, để các địa phương thực hiện hiện tốt, có hiệu quả chuyển đổi số, ta rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:
1.Thiết lập một tầm nhìn rõ ràng về mục tiêu và phương pháp sử dụng công nghệ để các đoàn viên, thanh niên đưa ra các giải pháp tối ưu trong công tác tuyên truyền cũng như thực hành để người dân nhìn thấy giá trị thực tiễn của chuyển đổi số. Đồng thời, phải chủ động xây dựng kế hoạch triển khai, phối hợp với các đội hình tình nguyện chuyển đổi số do đoàn viên, thanh niên vận hành, các doanh nghiệp số, các đơn vị liên quan như: Công an, Y tế để tổ chức hoạt động cho Tổ CNSCĐ.
2.Nhân tố nòng cốt phải luôn cập nhật các kiến thức, thông tin mới nhất về công nghệ số để hiểu rõ hơn về tiềm năng và ứng dụng của nó. Tìm kiếm và tham gia vào các cộng đồng, diễn đàn, hoặc nhóm trực tuyến để học hỏi và chia sẻ kiến thức về công nghệ số.
3. Phát huy vai trò đoàn viên, thanh niên trong tiên phong triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số cộng đồng tại địa phương. Đoàn viên, thanh niên phải nỗ lực nhiều hơn, ngoài việc phải không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, cũng cần phải mở rộng tầm hiểu biết về tình hình thế giới để có tư duy, hành động phù hợp hơn, góp phần đẩy nhanh và nâng cao hiệu quả Chuyển đổi số tại đơn vị, địa phương.