Hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới và khu vực đang có diễn biến rất phức tạp, khó lường; nhất là trong những ngày gần đây, tại một số nước khu vực Đông Nam Á như: Singapo, Malaysia, Philippin, Thái Lan, Campuchia, Lào
, dịch COVID-19 đang bùng phát mạnh trở lại, số ca nhiễm mới gia tăng liên tục từng ngày, đã xuất hiện nguy cơ mất kiểm soát, quá tải đối với hệ thống y tế tại một số quốc gia.
Đến chiều ngày 29/4/2021, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Việt Nam đã ghi nhận thêm 45 ca mắc COVID-19 mới, trong đó có 39 ca bệnh nhập cảnh đã cách ly ngay và 6 ca bệnh ghi nhận trong nước (lây nhiễm từ người đã cách ly đủ 14 ngày) tại tỉnh Hà Nam; hiện đã truy vết được 113 trường hợp F1, khoảng hơn 200 người là F2 và vẫn đang tiếp tục điều tra, truy vết, khoanh vùng, dập dịch theo quy định.
Tại tỉnh ta, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã ghi nhận 8 trường hợp ở cùng khu cách ly và 6 trường hợp đi cùng chuyến xe với bệnh nhân 2899 người Hà Nam; bên cạnh đó, tình trạng người dân di chuyển nhiều trong đợt nghỉ lễ 30-4 và 1-5 này là những nguy cơ lây nhiễm COVID-19 rất cao trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện Thông báo số 82/TB-VPCP ngày 29/4/2021 của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch COVID-19; chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy tại Công văn số 183-CV/TU ngày 28/4/2021 về việc tiếp tục tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh yêu cầu:
1. Yêu cầu toàn bộ hệ thống chính trị và mọi người dân tiếp tục kiên trì, quyết liệt thực hiện phương châm ngăn chặn, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và điều trị hiệu quả trong cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19, với phương châm: Quyết liệt, khẩn trương, không lơ là, chủ quan; song phải bình tĩnh, chủ động, không hoang mang, tin tưởng vào sự lãnh đạo của cấp uỷ, chính quyền, Ban Chỉ đạo các cấp; phải đặt quyết tâm cao nhất, quyết liệt nhất để kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, bảo đảm sức khỏe cho Nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội.
Nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong tổ chức triển khai, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại địa phương, lĩnh vực được phân công quản lý. Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 541/CĐ-TTG ngày 23/4/2021 và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19; Công văn số 183-CV/TU ngày 28/4/2021 của Tỉnh ủy về việc tiếp tục tăng cường công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh; Công điện số 07/CĐ-UBND ngày 26/4/2021 về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19; Công văn số 5320/UBND-VX ngày 23/4/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh và các văn bản chỉ đạo có liên quan.
2. Công tác phòng, chống dịch phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, đồng bộ cho đến khi dịch bệnh được ngăn chặn; trước mắt tập trung chỉ đạo, thực hiện tháng cao điểm phòng, chống dịch từ nay đến ngày 31/5/2021.
3. Tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, toàn bộ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về công tác phòng, chống dịch COVID-19. Tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống truyền thanh cơ sở với tinh thần kịp thời, chính xác, minh bạch để cảnh báo người dân không chủ quan, lơ là, không hoang mang; chủ động, tự giác thực hiện và tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19.
4. Về các biện pháp ngăn chặn dịch:
4.1. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Sở Y tế, Sở Ngoại vụ phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương tăng cường vận động, tuyên truyền người dân khu vực biên giới, cửa khẩu thực hiện tốt việc kiểm soát người nhập cảnh, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép hoặc vi phạm các quy định về phòng, chống dịch.
4.2. Không tiếp nhận cách ly người nhập cảnh từ các chuyến bay thương mại, giải cứu cho đến khi có chỉ đạo mới. Các trường hợp nhập cảnh theo chỉ đạo của Chính phủ, của Ban Chỉ đạo quốc gia hoặc đối tượng nhập cảnh là chuyên gia, lao động kỹ thuật cao làm việc tại Thanh Hóa sẽ được xem xét nhưng phải đảm bảo an toàn, thực hiện quy trình xét duyệt chặt chẽ, kịp thời và phải được sự chấp thuận của Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh.
4.3 Về tổ chức các lễ hội, các sự kiện tập trung đông người: Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của Chủ tịch UBND tỉnh tại Công điện số 07/CĐ-UBND ngày 26/4/2021; chỉ tổ chức khi thật cần thiết, đơn vị tổ chức phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện nghiêm các yêu cầu, điều kiện quy định về đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là việc bắt buộc đeo khẩu trang và hạn chế số người tham gia.
Giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Sở Y tế căn cứ vào diễn biến dịch bệnh trên địa bàn, tham mưu, đề xuất việc tạm dừng các hoạt động dịch vụ thuộc lĩnh vực quản lý vào thời điểm thích hợp, kịp thời báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh.
4.4. Yêu cầu tất cả mọi người dân khi ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang; tự giác thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế (Khẩu trang Khử khuẩn Khoảng cách Không tụ tập Khai báo y tế).
Giao Công an tỉnh phối hợp với Sở Y tế và các địa phương tổ chức triển khai xử lý vi phạm và xử phạt nghiêm những trường hợp không thực hiện các quy định về phòng, chống dịch theo quy định pháp luật.
4.5. Rà soát, củng cố và duy trì hoạt động của các tổ giám sát cộng đồng, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp cần xác minh, truy vết, theo dõi hoặc cách ly y tế theo quy định.
4.6. Tăng cường các hoạt động giám sát dịch tễ và xét nghiệm ở phạm vi phù hợp để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh; tập trung chỉ đạo thực hiện các biện pháp khoanh vùng gọn, cách ly triệt để, xét nghiệm sớm, kịp thời truy vết, ngăn chặn ngay từ khi dịch mới xuất hiện, còn ở diện hẹp, kiên quyết không để dịch lây lan trên diện rộng.
5. Về xét nghiệm phát hiện ca bệnh:
Giao Sở Y tế khẩn trương chỉ đạo tăng cường năng lực xét nghiệm COVID-19; tổ chức xét nghiệm nhanh, chính xác và tiết kiệm chi phí; bảo đảm phát hiện kịp thời các ca mắc trong cộng đồng, không để xảy ra tình trạng phát hiện muộn, không phát hiện được do năng lực xét nghiệm yếu.
6. Rà soát các cơ sở cách ly, phương án cách ly
6.1 Giao Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan rà soát các cơ sở cách ly tập trung đang quản lý, có phương án sẵn sàng cho tình huống có số người mắc bệnh tăng đột biến.
6.2 Giao Sở Y tế rà soát toàn bộ các cơ sở cách ly, bảo đảm thực hiện việc cách ly an toàn, tuyệt đối không để lây nhiễm chéo trong các khu cách ly và lây lan ra cộng đồng; có phương án mở rộng, nâng cao năng lực các khu cách ly dân sự trên địa bàn, sẵn sàng đáp ứng tình huống dịch bùng phát; rà soát, hoàn thiện quy trình theo dõi y tế sau cách ly, bảo đảm an toàn.
Rà soát, hoàn chỉnh phương án, kịch bản đáp ứng theo tình huống dịch và thành lập bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 tại địa phương.
6.3 Giao Sở Thông tin và Truyền thông hỗ trợ các cơ sở cách ly ứng dụng công nghệ thông tin để giám sát hoạt động trong các khu cách ly, kết nối trực tuyến để các cơ quan liên quan tham gia giám sát.
7. Về khoanh vùng, dập dịch
Yêu cầu việc khoanh vùng phải nhanh, gọn, có thời hạn và khẩn trương xác định khu vực có dịch, bảo đảm an toàn, hạn chế đến mức thấp nhất các tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân.
Khi có tình huống cần thực hiện giãn cách, cách ly xã hội đối với một khu vực, địa phương: Giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các thành viên Ban chỉ đạo tỉnh có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tham mưu, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét quyết định.
8. Về rà soát các cơ sở điều trị:
Giao Sở Y tế rà soát các cơ sở điều trị, đảm bảo thực đầy đủ các quy định của Bộ Y tế về phòng, chống lây nhiễm chéo; bảo đảm đủ vật tư, trang thiết bị phòng, chống dịch cho các tình huống dịch bệnh; báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định khi có tình huống số người mắc bệnh gia tăng đột biến.
Chỉ đạo các đơn vị y tế kiện toàn, củng cố các đội phản ứng nhanh, sẵn sàng cơ động hỗ trợ các khu vực, địa phương có nguy cơ bùng phát dịch.
9. Đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng vắc xin
Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và các Trung tâm y tế tuyến huyện đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin COVID-19; khẩn trương, tích cực tiếp cận để có vắc xin sớm nhất và tổ chức tiêm chủng an toàn cho nhân dân trên địa bàn tỉnh.
10. Giao Sở Y tế rà soát dự trù vật tư, hóa chất, sinh phẩm, trang phục bảo hộ và các trang thiết bị thiết yếu đảm bảo chuẩn bị đầy đủ phục vụ công tác phòng, chống dịch; kể cả dự phòng cho tình huống dịch xâm nhập và lây lan diện rộng.
11. Giao Sở Tài chính kịp thời đáp ứng nguồn kinh phí theo đề xuất của Sở Y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch.
12. Các sở, ngành thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh:
Lãnh đạo các sở, ngành là Thành viên Ban chỉ đạo tỉnh tăng cường đi kiểm tra theo địa phương, lĩnh vực được phân công việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo tỉnh; đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện xử phạt các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về phòng, chống dịch.
Sở Y tế đôn đốc các Thành viên Ban chỉ đạo các cấp đi kiểm tra các địa phương; tổng hợp, xử lý thông tin báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh.
13. Các huyện thị xã, thành phố
Giao Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương chỉ đạo sẵn sàng kích hoạt và đảm bảo các điều kiện tại các cơ sở cách ly ở địa phương để tiếp nhận, quản lý công dân khi có nhu cầu. Chủ động phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh kịp thời cập nhật, tiếp tục giám sát, theo dõi và quản lý chặt chẽ về sức khỏe đối với các trường hợp đã hoàn thành cách ly tập trung phòng, chống Covid-19 theo đúng quy định. Đồng thời, nghiên cứu bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ kịp thời cho các Tổ giám sát cộng đồng, cán bộ phục vụ tại các khu cách ly và các đối tượng cách ly tập trung trên địa bàn.
Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố phải chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng chống dịch COVID-19 trước cấp ủy cùng cấp, trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh.
14. Về chế độ thông tin báo cáo
Yêu cầu Ban Chỉ đạo các cấp, các cơ sở y tế công bố công khai số điện thoại đường dây nóng, đảm bảo hoạt động thông suốt 24/24 giờ để người dân biết và cung cấp thông tin phòng, chống dịch bệnh; đồng thời, thực hiện nghiêm chế độ báo cáo trước 15 giờ 00 hằng ngày, gửi Sở Y tế tổng hợp (cho đến khi có thông báo mới).
Giao Sở Y tế tổng hợp, báo cáo Thường trực Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh, các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh và thông báo cho UBND các huyện, thị xã, thành phố trước 16 giờ 00 hằng ngày về tình hình dịch bệnh, các kiến nghị, đề xuất các biện pháp phòng chống dịch phù hợp với diễn biến của dịch bệnh.
Nguồn tin: (Báo Thanh Hóa)Tô Hà